Tuesday 16 October 2018

Một chín tám tư – Wikipedia tiếng Việt



Nineteen Eighty-Four

1984first.jpg

Bìa ấn bản đầu tiên ở Anh

Thông tin sách
Tác giả
George Orwell
Quốc gia
Anh
Ngôn ngữ
Tiếng Anh
Thể loại
Dystopia, Chính trị, Khoa học xã hội giả tưởng
Số OCLC
52187275

Một chín tám tư (Anh: Nineteen Eighty-Four) là tên một tiểu thuyết dystopia (phản địa đàng) phát hành năm 1949 của nhà văn người Anh George Orwell.[1] Bối cảnh trong tiểu thuyết được đặt ở miền đất Airstrip One (trước đây là Great Britain), một tỉnh thành của siêu nhà nước Oceania ở một thế giới hư cấu. Trong thế giới này, chiến tranh xảy ra liên miên, chính phủ theo dõi và dò xét sát sao, việc tẩy não diễn ra công khai. Đứng đằng sau tất cả là bộ máy nhà nước chuyên chế gọi tên là Ingsoc điều hành bởi các Đảng viên của Inner Party ("Đảng Trong"), những người quy chụp chủ nghĩa cá nhân và tư duy độc lập là thoughtcrime ("tội nhận thức").[2] Nhà nước này hoạt động nhân danh Big Brother (Anh Cả), vị lãnh tụ tối cao của Oceania. Nhân vật chính của tiểu thuyết là Winston Smith, Đảng viên Outer Party (Đảng Ngoài). Ông làm việc tại Ministry of Truth (Bộ Sự thật) và nhiêm vụ của ông là sửa lại các bài báo cũ để các dữ liệu lịch sử luôn phục vụ đường lối hiện tại của Đảng.[3] Smith là một nhân viên cần cù, chăm chỉ nhưng ông thực chất căm ghét đảng phái của mình và ôm mộng đảo chính chống lại Anh Cả.

Kể từ khi ra đời vào năm 1949, Một chín tám tư đã được xem là tác phẩm kinh điển về tư tưởng chính trị và khoa học giả tưởng. Nhiều từ vựng, khái niệm như Big Brother, doublethink, thoughtcrime, Newspeak, Room 101, telescreen, 2+2=5memory hole đã đi vào đời sống (những người nói tiếng Anh). Tiểu thuyết cũng là nơi phổ biến tính từ Orwellian nhằm chỉ sự lừa gạt công khai, theo dõi ngầm và thao túng quá khứ bởi nhà nước toàn trị.[3]

Năm 2005, tạp chí TIME đã đưa Một chín tám tư vào danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh xuất sắc nhất từ 1923 đến 2005.[4] Trong danh sách "100 tiểu thuyết xuất sắc nhất của Modern Library", Một chín tám tư đứng thứ 13 do ban biên tập bình chọn và thứ 6 do người đọc bình chọn.[5] Năm 2003, tiểu thuyết đứng vị trí thứ 8 trong "The Big Read", một cuộc điều tra của BBC.[6]




Quá trình thực hiện và tiêu đề[sửa | sửa mã nguồn]


Trang đầu bản thảo năm 1947 của Một chín tám tư cho thấy quá trình biên tập

George Orwell nghĩ ra phần lõi cuốn sách vào năm 1944, và ba năm sau, ông viết gần như toàn bộ nội dung lúc ở trên đảo Jura từ năm 1947 đến 1948 dù đang phải chống chọi với căn bệnh lao.[7] Ngày 4 tháng 12 năm 1948, ông gửi bản thảo cuối cùng đến nhà xuất bản Secker and Warburg và Một chín tám tư được phát hành vào ngày 8 tháng 6 năm 1949.[8][9] Đến năm 1989, tiểu thuyết này đã được dịch sang 65 ngôn ngữ, nhiều hơn bất cứ tiểu thuyết tiếng Anh cùng thời nào.[10] Tiêu đề của cuốn sách, chủ đề của nó, tiếng Newspeak (Tân Ngôn) và họ của tác giả thường được dẫn chứng nhằm chống lại sự khống chế và xâm phạm đến từ nhà nước; ngoài ra, Orwellian đã đi vào tiếng Anh để nói về một xã hội cực quyền kiểu dystopia, nơi mà chính phủ kiểm soát và nô dịch người dân. Ngôn ngữ do Orwell sáng tạo ra, Newspeak, châm biếm bản chất của nhà nước. Ví dụ, Miniluv ("Bộ Yêu thương") chịu trách nhiệm tra tấn và tẩy não, Miniplenty ("Bộ Dồi dào") trông nom việc gây ra đói kém và thiếu thốn, Minipax ("Bộ Hoà bình") lại xem xét vấn đề chiến tranh và bạo ngược, và Minitrue ("Bộ Sự thật") chịu trách nhiệm tuyên truyền cổ động và viết lại lịch sử vì mục đích chính trị.

Người đàn ông cuối cùng ở châu Âu (The Last Man in Europe) là một trong những tựa nguyên thuỷ của cuốn sách. Tuy nhiên, trong một lá thư đề ngày 22 tháng 10 năm 1948 gửi nhà xuất bản, Orwell bày tỏ sự lưỡng lự giữa tựa đề Người đàn ông cuối cùng ở châu ÂuMột chín tám tư.[11] Nhà xuất bản đã gợi ý nên sử dụng tựa đề dễ đắt khách hơn.[12]

Tác giả vốn muốn đặt bối cảnh của Một chín tám tư vào năm 1980 nhưng sau đó, ông đã dời xuống lần lượt năm 1982 rồi 1984. Tựa đề cuối cùng có thể là biến thể của "1948" - năm sáng tác tiểu thuyết.[13] Trong lịch sử ấn bản, Một chín tám tư đã từng bị cấm hay bị hạn chế ở các thư viện công cộng bởi mang tư tưởng chống chế độ toàn trị tương tự các cuốn Brave New World của Aldous Huxley (1932), Chúng ta (1924) của Yevgeny Zamyatin, Kallocain (1940) của Karin Boye và Fahrenheit 451 (1951) của Ray Bradbury.[14] Tiểu thuyết dystopia tiếng Nga Chúng ta được xem có ảnh hưởng mạnh mẽ đến Một chín tám tư.[15][16]



Biểu ngữ của Đảng trong chuyển thể phim năm 1984

Bối cảnh của Một chín tám tư đặt ở Oceania, một trong ba siêu nhà nước liên lục địa phân chia thế giới sau chiến tranh thế giới, nhất là ở Luân Đôn - thành phố trực thuộc tỉnh Airstrip One,[17] nơi từng được gọi là England hay Britain.[18] Những tấm áp phích của lãnh tụ Đảng Big Brother và dòng chữ "BIG BROTHER IS WATCHING YOU" (ANH CẢ ĐANG DÕI THEO QUÝ VỊ) xuất hiện nhan nhản khắp thành phố, cùng với đó là sự hiện diện của telescreen (thiết bị thu phát hình ảnh) để theo dõi đời sống dân cư. Có ba giai cấp xã hội ở Oceania:


  • (I) Inner Party ("Đảng Trong"): giới thượng lưu, chiếm khoảng 2% dân số.

  • (II) Outer Party ("Đảng Ngoài"): giới trung lưu, chiếm 13% dân số.

  • (III) Prole ("Vô sản"): thuộc lớp dưới của xã hội, chiếm số còn lại, đại diện cho những người lao động thất học.

Đảng quản lý quần chúng thông qua bốn Bộ được đề tên bằng tiếng Newspeak:


  • Minipax (tức Ministry of Peace - "Bộ Hoà bình"): quản lý chiến tranh.

  • Miniplenty (tức Ministry of Plenty - "Bộ Dồi dào"): quản lý kinh tế (phân phối và nạn đói).

  • Miniluv (tức Ministry of Love - "Bộ Yêu thương"): quản lý pháp luật trật tự (tra tấn).

  • Minitrue (tức Ministry of Truth - "Bộ Sự thật"): quản lý việc tuyên truyền (tin tức, giải trí, giáo dục và hội họa).

Nhân vật chính của tiểu thuyết, Winston Smith, Đảng viên của Outer Party, làm công việc biên tập tại Minitrue, chuyên sửa lại dữ liệu lịch sử tuân theo khẩu hiệu của chính Đảng đương thời và xoá các ghi chú đề cập đến những người đã bị "bốc hơi" (không những bị thủ tiêu bởi nhà nước mà còn bị xoá tên khỏi các tài liệu lịch sử), gọi là unperson.

Theo cuốn sách giả tưởng mà Winston đọc có tên Lý thuyết và thực tiễn chủ nghĩa tập thể chính trị đầu sỏ (The Theory and Practice of Oligarchical Collectivism) của Emmanuel Goldstein, một chính trị gia giả tưởng: Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, vương quốc Anh rơi vào nội chiến và bị sát nhập vào Oceania. Đồng thời, Liên bang Xô Viết càn quét châu Âu phần đất liền và thiết lập nên siêu nhà nước thứ hai, có tên là Eurasia. Siêu nhà nước thứ ba, Eastasia, bao gồm khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Ba thế lực tiến hành chiến tranh liên miên nhằm chiếm cứ phần lãnh thổ còn lại của thế giới, tuỳ lúc mà thiết lập hay huỷ bỏ liên minh giữa hai siêu nhà nước. Thời thơ ấu (1949-1953), Winston nhớ là chiến tranh nguyên tử diễn ra ở châu Âu, Tây Nga và Bắc Mỹ. Ông còn không rõ là giữa việc Đảng thắng cuộc nội chiến, Hoa Kỳ thôn tính Đế quốc Anh và cuộc đánh bom ở Colchester, việc nào xảy ra trước việc nào. Tuy nhiên, ký ức càng lúc càng rõ của Winston và những cuộc nói chuyện của gia đình ông đã cho thấy các vụ đánh bom nguyên tử xảy ra trước (Nhà Smith trú ẩn trong trạm xe), theo sau đó là nội chiến ở Anh và cuộc tái cơ cấu xã hội thời hậu chiến mà Đảng gọi là "Cách mạng".



Lưu ý: Phần sau đây có thể cho bạn biết trước nội dung của tác phẩm.


Xã hội Oceania năm 1984: Big Brother trên cùng, Đảng ở giữa, Vô sản dưới cùng

Tiểu thuyết vẽ nên khung cảnh thế giới vào năm 1984 giả tưởng, sau chiến tranh nguyên tử toàn cầu, thông qua nhận thức của Winston Smith, một cư dân 49 tuổi ở Airstrip One; cuộc nổi loạn tư tưởng chống lại Ingsoc của ông; mối tình vụng trộm với Julia; việc ông bị ngồi tù, tra khảo, tra tấn và cải tạo bởi Thinkpol hay Thought Police ("Cảnh sát tư tưởng") của Miniluv.


Winston Smith[sửa | sửa mã nguồn]


Winston Smith là một trí thức của Đảng Ngoài sống trong đám điêu tàn của nước Anh đã bị huỷ hoại bởi nội chiến, Chiến tranh thế giới thứ hai và "cách mạng" giành quyền lực của Đảng. Từ nhỏ, ông đã bị tách ra khỏi gia đình và sống trong một cô nhi viện, được nhà nước dạy dỗ để trở thành đày tớ của chế độ. Ông bắt đầu viết ghi chép, trong đó lên án kịch liệt Đảng và lãnh tụ Big Brother, thứ mà nếu bị Thinkpol phát hiện thì Winston cầm chắc cái chết. Căn hộ của ông có một cái hốc bên cạnh telescreen, nơi mà telescreen không thể theo dõi và Winston được riêng tư ở đó viết cuốn sổ của mình: Tội nhận thức không dẫn tới cái chết. Tội nhận thức chính là cái chết. Những chiếc telescreen chứa micro và máy ảnh ngầm nên cho phép Thought Police do thám bất cứ ai và nhận diện ai có thể gây nguy hiểm cho chế độ của Đảng. Trẻ em được dạy phải thám thính và báo cáo lại bất cứ ai có dấu hiệu là thought-criminal ("tội phạm nhận thức"), nhất là cha mẹ chúng.

Ở Minitrue, Winston là một biên tập chịu trách nhiệm chỉnh đốn lịch sử theo phiên bản lịch sử chính thức của Đảng. Vì thế, ông thường xuyên phải viết lại cứ liệu và thay đổi các bức hình, khiến những người bị bốc hơi trở thành unperson; còn những tài liệu gốc thì bị thiêu trong memory hole ("hố ký ức"). Khẩu hiệu của Đảng là: "Kẻ nào kiềm chế được quá khứ, kẻ đó kiểm soát được tương lai: kẻ nào kiểm soát được hiện tại, kẻ đó kiềm chế được quá khứ". Dù hứng thú với đòi hỏi trí óc phải vận dụng khi sửa đổi các tư liệu lịch sử, ông vẫn hứng thú với thứ gọi là "quá khứ thực" và dày công tìm hiểu về nó.


Julia[sửa | sửa mã nguồn]


Một ngày nọ ở Minitrue, Winston đỡ một phụ nữ và người này đã chuyền cho anh một mẩu giấy xếp lại, mà sau đó Winston đọc ở bàn làm việc của mình, có nội dung: EM YÊU ANH. Người phụ nữ đó tên là Julia và cũng như Winston, là một tội phạm nhận thức và căm ghét Đảng. Mặc dù Winston trước khi nhận mẩu giấy không có thiện cảm với Julia vì nhiều lý do, mối ác cảm đó đã biến mất, thay vào đó là hai người bắt đầu yêu nhau trong bí mật. Họ quan hệ ở nhiều nơi khác nhau, đầu tiên là ở một khoanh đất trống trong rừng ở miền quê, sau đó là ở một nhà thờ hoang phế, và rồi là một phòng ngủ cho thuê ở khu vực dân vô sản ở Luân Đôn. Họ tưởng mình được an toàn vì không thấy ai hay màn hình nào quan sát họ, nhưng thực tế, Thinkpol đã biết về mối tình của họ.

O'Brien, một Đảng viên của Inner Party tiếp cận Winston và Winston thì tin rằng O'Brien là điệp viên của Brotherhood, một tổ chức bí mất chống Cách mạng và Đảng. Nhờ đó, giữa hai người hình thành mối liên lạc bí mật. Nhân dịp đưa Winston ấn bản mới nhất của Từ điển Newspeak, O'Brien đã đưa ông cuốn sách Lý thuyết và thực tiễn chủ nghĩa tập thể chính trị đầu sỏ của tác giả Emmanuel Goldstein, lãnh tụ khét tiếng của Brotherhood. Cuốn sách giải thích khái niệm chiến tranh liên miên, ý nghĩa thực của phương châm CHIẾN TRANH LÀ HOÀ BÌNH, TỰ DO LÀ NÔ LỆ và NGU DỐT LÀ SỨC MẠNH, và cách thức lật đổ sự thống trị của Đảng bằng sự giác ngộ chính trị của giai cấp vô sản.

Thinkpol bắt giữ Winston và Julia tại trận trong phòng ngủ, giao họ cho bên Minitrue để thẩm vấn. Charrington, chủ tiệm cho hai người thuê phòng hoá ra làm việc cho Thinkpol. O'Brien cũng lộ diện là chỉ huy của Thinkpol và thừa nhận đã dụ dỗ Winston và Julia vào tròng để loại bỏ những tên tội phạm tư tưởng đáng ngờ.

Những màn đánh đập tự động và tra hỏi vắt kiệt tâm lý Winston bắt đầu. O'Brien, lúc này kẻ tra khảo ông, tra tấn ông bằng shock điện, hướng dẫn cách để Winston chữa trị khỏi bệnh điên - tức việc ông căm ghét Đảng - thông qua nhận thức có kiểm soát (phải nói đúng số ngón tay mà Đảng yêu cầu phải thấy bất chấp sự thật khác thế nào, phải nói "2+2=5"). Trong các cuộc nói chuyện dài hơi, O'Brien biện giải động cơ của Đảng Ngoài vì quyền lực tuyệt đối, rằng động cơ đó hết sức vị tha và vì lợi ích cao cả. Trong một lần bị tra tấn, việc ngồi tù của Winston được giải thích như sau: "Có ba bước để anh tái nhập... Đó là học tập, thấu hiểu và chấp nhận [cách Đảng đánh giá hiện thực]."


Thú tội và phản bội[sửa | sửa mã nguồn]


Ở giai đoạn đầu tiên cải tạo chính trị, Winston Smith nhận những tội trạng mà ông đã làm hoặc không hề làm, liên luỵ bất cứ ai, kể cả Julia. Ở giai đoạn thứ hai, O'Brien cho Winston thấy rằng ông đang tàn tạ thế nào, lúc này Winston hầu như chỉ còn da bọc xương, tóc và răng hư hại kinh khủng. Winston đối chất rằng "Tôi chưa phản bội Julia" và O'Brien đồng ý, vì đúng là Winston chưa thôi hết yêu cô gái. Một đêm, Winston thức giấc và hét lên tên Julia và vì thế, O'Brien đã cho ông vào phòng 101, căn phòng đáng sợ nhất ở Miniluv. Tại đây, bất cứ ai đầu phải ở chung với thứ mà họ sợ nhất. Nỗi sợ của Winston là chuột. Khi một lồng chuột đói được đặt lên mặt ông, Winston đã la lên: "Làm thế với Julia đi!", phản bội lại cô ấy và từ bỏ tình yêu dành cho cô. Như vậy, công dân Winston Smith đã đạt được bước cuối cùng, Chấp Nhận (Acceptance) của quá trình cải tạo chính trị.


Tái ngộ Julia[sửa | sửa mã nguồn]


Một thời gian sau khi tái hội nhập xã hội Oceania, Winston gặp lại Julia trong công viên. Julia tiết lộ cô cũng trải qua những điều gian khổ y như Winston và cả hai thừa nhận đã phản bội nhau. Trong khi hai người nói chuyện, lời bài hát hiện lên lại trong đầu Winston:



Under the spreading chestnut tree (Dưới tán cây dẻ xoè bóng)


I sold you and you sold me— (Anh bán đứng em, em bán đứng anh)


Lời bài hát xuất phát từ một ca khúc tập thể phổ biến vào thập niên 20 thế kỷ XX tên "Go no more a-rushing" hay còn gọi là "Under the Spreading Chestnut Tree" và được Glenn Miller và ban nhạc của ông trình bày lại năm 1939.[19][20][21]


Cải đạo[sửa | sửa mã nguồn]


Winston ngồi một mình trong tiệm Cây Dẻ và phiền não vì những ký ức sai lầm mà ông tin là sai lầm. Ông cố gắng không nghĩ đến chúng nữa thì có thông báo Oceania đã giành chiến thắng quyết định trước quân đội Eurasia. Đám đông nô nức tán dương ngoài đường, và Winston tưởng tượng mình cũng ở trong dòng người đó. Ông nhìn lên đầy ngưỡng mộ bức chân dung Big Brother, cuối cùng ông đã nhận ra sự thay đổi trong lòng mình. Ông đắm chìm trong mơ tưởng hạnh phúc mình sẽ ra tự thú, đầy đủ và công khai, rồi sẽ được tử hình. Ông đã giành chiến thắng trước chính bản thân. Giờ đây, ông một lòng yêu kính Big Brother.





Hoạt động kiểm duyệt diễn ra xuyên suốt tiểu thuyết. Điển hình tại Minitrue ("Bộ Sự thật"), đối với những người đã bị Đảng thủ tiêu thì không chỉ các tài liệu liên quan đến họ mà cả các bức hình có mặt họ đều bị chỉnh sửa hay xoá sổ. Trên các telescreen, số liệu các ngành sản xuất được phóng đại gấp nhiều lần so với thực tế, thậm chí còn được chế ra, nhằm che đậy sự thực ngược lại. Việc bịa đặt số liệu từng được tác giả đề cập đến trong tiểu thuyết Chuyện ở nông trại năm 1945 của mình.

Cư dân Oceania, nhất là các thành viên Đảng Ngoài, không thật sự có sự riêng tư. Nhiều người sống trong các căn hộ được trang bị màn hình theo dõi telescreen hai chiều, dẫn đến việc bất cứ lúc nào họ cũng bị theo dõi, bị nghe lén. Những màn hình tương tự được lắp đặt ở các công xưởng và chỗ công cộng, kèm với đó là những chiếc microphone ngầm. Thư từ thường xuyên được mở ra và kiểm ra bởi Chính phủ trước khi chúng được gửi. Bên cạnh đó, lực lượng Thought Police ("Cảnh sát tư tưởng") còn cho điệp viên của mình giả dạng dân thường nhằm tìm kiếm những ai có tư tưởng chống đối. Trẻ em cũng được dạy báo cáo những kẻ khả nghi cho chính quyền, bao gồm chính cha mẹ chúng.

Sự giám sát, theo dõi là cách thức hiệu quả để quản lý nhân dân. Một dấu hiệu nổi loạn dù là nhỏ như biểu cảm hay lời nói mớ khi ngủ đều khiến đương sự bị bắt giam ngay tức khắc.



Một chín tám tư trong đời sống văn hoá[sửa | sửa mã nguồn]




  1. ^ Benet's Reader's Encyclopedia, Fourth Edition (1996). HarperCollins:New York. p. 734.

  2. ^ The Columbia Encyclopedia, Fifth Edition, Columbia University Press: 1993, p. 2030.

  3. ^ a ă The Oxford Companion to English Literature, Sixth Edition. University of Oxford Press: 2000. p. 726.

  4. ^ Grossman, Lev; Lacayo, Richard (ngày 6 tháng 10 năm 2005)."ALL-TIME 100 Novels. 1984 (1949), by George Orwell". Time. ISSN 0040-781X. Truy cập ngày 19 tháng 10 năm 2012

  5. ^ "100 Best Novels". Modern Library. Truy cập ngày 19 tháng 10 năm 2012

  6. ^ "BBC – The Big Read". BBC. April 2003, Retrieved ngày 19 tháng 10 năm 2012

  7. ^ Bowker, Chapter 18. "thesis": pp. 368–9

  8. ^ Bowker, pp. 383, 399

  9. ^ “Charles' George Orwell Links”. Netcharles.com. Truy cập ngày 4 tháng 7 năm 2011. 

  10. ^ John Rodden. The Politics of Literary Reputation: The Making and Claiming of "St. George" Orwell

  11. ^ CEJL, iv, no. 125.

  12. ^ Crick, Bernard. Introduction to Nineteen Eighty-Four(Oxford: Clarendon Press, 1984)

  13. ^ Nineteen Eighty-four, ISBN 978-0-14-118776-1; p. xxvii (Penguin)

  14. ^ Marcus, Laura; Nicholls, Peter (2005). The Cambridge History of Twentieth-Century English Literature. Cambridge University Press. tr. 226. ISBN 0-521-82077-4. Brave New World [is] traditionally bracketed with Orwell's Nineteen Eighty-Four as a dystopia... 

  15. ^ "Freedom and Happiness" (a review of We by Yevgeny Zamyatin) by Orwell, Tribune, ngày 4 tháng 1 năm 1946.

  16. ^ "1984 thoughtcrime? Does it matter that George Orwell pinched the plot?", Paul Owen, The Guardian, 8 tháng 6 năm 2009.

  17. ^ Phần 1, Chương 1

  18. ^ Phần 1, Chương 3

  19. ^ “Under the spreading chestnut tree”. .online-literature.com. Truy cập ngày 8 tháng 6 năm 2011. 

  20. ^ Anne Gilchrist said it is "a version of an old English tune called 'Go no more a-rushing', which was arranged for virginals by William Byrd và Giles Farnaby – by the latter under the title of 'Tell mee, Daphne'... So 'Under the Spreading Chestnut Tree' is really an Old English – perhaps originally a dance – tune, preserved traditionally and lately modernized."

  21. ^ Anne G. Gilchrist, "'Under the Spreading Chestnut Tree': The Adventures of a Tune." The Musical Times, Vol. 81 (Mar. 1940), pp. 112–113.




Các nơi có thể tải về sách Nineteen Eighty-Four (tiếng Anh):


No comments:

Post a Comment